Sau mỗi cơn bão, bể bơi của bạn hoang tàn vì rác, đất, nước rửa trôi xuống bể. Nước vừa bẩn, vừa đục và đặc biệt khi cơn bão kéo dài vài ngày, nước bể sẽ nhiễm rêu tảo nặng. Bạn sẽ tốn rất nhiều tiền mua hóa chất, mỏi tay cọ rửa, vệ sinh bể. Ở Việt Nam, mùa bơi đúng vào mùa mưa bão nhiều. Nếu mỗi tháng chỉ 1 vài trận bão to là bể của bạn tiêu tốn khá nhiều chi phí rồi.
Muốn giảm bớt những phiền phức trên, hãy cập nhật thông tin thời tiết thường xuyên và chuẩn bị tránh bão cho bể thật tốt theo các bước sau:
1. Không xả sạch nước bể.
Mọi người sẽ hỏi: “Bể sẽ không bị tràn nước nếu chúng ta hạ nước bể xuống thấp nhất có thể đúng không?” Vâng, có thể. Nhưng việc đó không hơn gì việc chúng ta phơi sàn ra và để cỏ mọc rậm um ở đó. Việc thoát nước cho phù hợp luôn có khi thiết kế hồ bơi. Những ngày bão, chúng ta giữ nước trong bể để bể luôn có trọng lượng và được giữ chặt trong lòng đất. Nếu bể của bạn trống, sẽ rất dễ bị đẩy lên hoặc bật ra khỏi mặt đất do áp lực dồn lên từ nước ngầm do mưa nặng hạt dài ngày hoặc bão lớn, úng nước… Bạn biết đấy, chỉ cần mưa vài giờ là Hà Nội hay Sài Gòn sẽ thể hiện ngay hệ thống thoát nước ở đây "tuyệt vời" như thế nào rồi.
Bạn hãy thiết kế 1 ống thoát trước khi có bão, đơn giản chỉ cần vòi xịt tưới cây chạy quanh hồ đến 1 điểm thấp hơn 0.5 – 1 mét là được. Nối ống dẫn đúng chỗ và cho nước chảy tự do ra ngoài nhanh chóng khi bể gần tràn.
2. Ngắt nguồn điện các thiết bị bể bơi.
Rất có thể trong cơn bão, các lực tự do tác động đến hệ thống điện của bạn gây chập cháy hoặc đứt dây gây nguy hiểm, chưa kể mưa bão kèm sấm sét có thể gây hỏng thiết bị của bạn. Để đảm bảo an toàn, hãy ngắt nguồn điện của toàn bộ thiết bị bể bơi như: bơm bể bơi, thiết bị đèn chiếu sáng, bộ bào mòn hóa chất hay thiết bị nâng nhiệt… cho đến khi cơn bão giảm bớt hoặc tạnh hẳn.
3. Bảo vệ các thiết bị điện
Sau khi tắt hoàn toàn các thiết bị, dùng nilon hoặc vải nhựa bọc bơm, bộ hiển thị, biến áp đèn, máy nâng nhiệt và buộc chặt lại, ngăn cát, nước lọt vào trong. Nếu có nguy cơ ngập lụt, hãy tháo rời các thiết bị này và bảo quản ở nơi cao ráo, đặc biệt là bơm, nếu bơm bị ngập nước, động cơ bên trong sẽ hỏng hoàn toàn. Có thời gian, bạn hãy dọn sạch đất cát, rác, lá, đất xung quanh nơi đặt thiết bị để giúp nước thoát nhanh hơn khi mưa bão lớn.
4. Cất hết những vật rời xung quanh bể.
Các vật rời bao gồm: ghế, bàn, đồ chơi và các công cụ làm sạch bể có thể trở thành vật gây nguy hiểm khi gió lớn, nên thu hết lại và bảo quản trong nhà. Không nên ném hết đồ xuống bể trừ khi không còn cách nào khác. Nếu bắt buộc phải làm vậy, nhẹ nhàng thả đồ xuống nước để tránh làm hư hỏng và vớt lên càng sớm càng tốt.
5. Bảo vệ rào chắn
Để tránh cho rào chắn bể và khung không bị bão gây hư hại, bạn có thể tạo 1 vài khoảng trống cho không khí và gió lưu thông nhằm mục đích các tấm chắn không cản gió, sẽ dễ bị lực gió bẻ gãy, phá hỏng.
6. Cấp thêm nhiều clorin vào bể
Nhằm mục đích ngăn ô nhiễm từ các tạp chất có trong nước mưa, bụi bẩn trong môi trường xung quanh trôi vào bể gây ra đục nước và rêu tảo, vi khuẩn sinh sôi phát triển, bạn có thể sử dụng clorin 90% để shock ngay trước cơn bão. Giảm pH xuống 7.2 để đạt kết quả tốt nhất. Nhớ chạy lọc 30p trước khi ngắt điện hoặc tháo rời các thiết bị.
7. Không đậy bể bơi.
Bão sẽ có gió và cuốn các vật cứng cùng với lực mạnh, khi các vật đó văng vào tấm phủ, sẽ khiên tấm phủ của bạn bị hỏng. Sẽ dễ dàng hơn nhiều để loại bỏ rác trong hồ bơi sau bão hơn là thay 1 tấm phủ mới đắt tiền.
Chuẩn bị bảo vệ bể bơi và các thiết bị trước cơn bão có thể mất đến vài giờ. Sau khi bão qua, chúng ta lại cần những công đoạn khác để đưa bể bơi vào hoạt động như lúc ban đầu.
Viết bình luận